Gặp nghệ nhân chế tác dép cao su Bác Hồ

Đăng bởi Phương Như
Thứ Wed,
24/03/2021

QĐND - Một sáng đầu hè, chúng tôi đến con ngõ nhỏ ở phố Nguyễn Biểu, TP Hà Nội thăm nhà ông Phạm Quang Xuân, nghệ nhân làm dép cao su thủ công ở Thủ đô từ những năm 60 của thế kỷ 20. Chúng tôi không khỏi ngưỡng mộ ông.

Tuổi 80 sắp đến mà ông chưa một ngày nghỉ việc. Chỉ có niềm say mê mới có thể khiến ông gắn bó với cái nghề đòi hỏi sự tỉ mẩn, chi tiết đến gần 60 năm giữa thời đại công nghệ này như vậy. Ngôi nhà đơn sơ cũng là “xưởng” sản xuất của gia đình ông nằm trong con ngõ yên bình tưởng như cách biệt hẳn với phố xá ồn ào cách đó vài bước chân giữa trung tâm thành phố. Ông bảo, truyền thống gia đình đã đưa ông đến với nghề, nhưng chính tình yêu nghề đã khiến ông được lựa chọn để chế tác đôi dép cao su, vật dụng gắn bó với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ để trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Vinh dự đặc biệt này được ông thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước đến giờ ông vẫn nhớ mãi.

Ông Phạm Quang Xuân giới thiệu các công đoạn chế tác dép cao su Bác Hồ. Ảnh: TÙNG PHONG.

Phạm Quang Xuân gắn bó với nghề làm dép lốp cao su từ khi còn là cậu bé quẩn quanh theo chân bố hồi về tản cư ở Thanh Hóa từ thập niên 1950. Hằng ngày, cậu bé Xuân mới 10 tuổi nhưng đã biết phụ bố bê chồng lốp xe cao quá đầu cho bố cắt gọt, đục lỗ, rút quai... Cái mùi cao su ngai ngái, nồng nồng len lỏi cả vào trong giấc ngủ, theo suốt những năm ấu thơ của Phạm Quang Xuân. 20 tuổi, ông xin vào làm việc ở Công ty Bách hóa cấp 2 Hà Nội (sau này là Xí nghiệp Trường Sơn) chuyên sản xuất các loại dép cao su. Ngày ấy, công nhân làm dép được chia thành các tổ, mỗi người một việc. Người phụ trách máy cắt lốp, người đục lỗ, người rút dây... Vốn thông minh, lanh lợi, vừa làm, ông vừa để ý học hỏi các công đoạn làm dép từ những người thợ có kinh nghiệm nhất. Chẳng bao lâu, ông trở thành thợ giỏi trong nghề. “Thập niên 1970, mỗi ngày công ty sản xuất từ 300 đến 400 đôi dép, được nhân dân và bộ đội ta rất ưa chuộng. Đôi dép cao su gắn bó với chiến sĩ ta bởi vừa có thể đi mưa, lội nước, leo trèo trên mọi địa hình, lại rất bền. Khi ấy, với chúng tôi, mỗi đôi dép làm ra không đơn thuần chỉ là một vật vô tri mà còn muốn thổi tình yêu Tổ quốc vào đó khi biết chúng có thể phục vụ bộ đội đi chiến đấu”-ông Xuân tâm sự.

Nhưng có lẽ kỷ niệm mà ông Xuân nhớ nhất chính là lần được đặt hàng chế tác 10 đôi dép cao su Bác Hồ, năm 1980. Hôm ấy, khi ông đang chuẩn bị đi làm thì có một vị cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh đến gặp để đặt 10 đôi dép Bác Hồ dùng để trưng bày tại các chi nhánh của bảo tàng trong cả nước. Thời gian đã lùi xa, ông không còn nhớ tên người cán bộ nhưng nhớ mãi thái độ chân tình và sự nâng niu của anh với đôi dép. “Đôi dép cao su của Bác vốn được cắt từ một chiếc lốp ô tô quân sự, chiến lợi phẩm sau trận phục kích địch tại Việt Bắc, năm 1947. Bác đã sử dụng đôi dép ấy trong hơn 20 năm đến khi Người qua đời. Ngắm đôi dép cao su đã mòn vẹt, trong niềm xúc động mạnh, tôi cố ghi lại từng chi tiết của đôi dép trong đầu, vì người cán bộ nói đây là kỷ vật quý, không thể để lại làm mẫu được”-ông Xuân kể.

Đôi dép của Bác có hai quai trước to bản kiểu quai vắt chéo, quai sau nhỏ rất vừa chân Bác, từng được Bác nói vui là “đôi hài vạn dặm”, đã cùng Bác trèo đèo, lội suối, vượt đường trơn, dốc cao, đi thăm cả bạn bè quốc tế. Vốn là một người thợ lành nghề, chỉ cần nhìn dép là ông có thể hình dung ra kỹ thuật làm, nguyên vật liệu rồi dụng cụ chế tác. Ông nói với người cán bộ, do thời gian làm gấp, đề nghị thêm 4-5 người ở công ty hỗ trợ ông. Ông nhanh chóng triển khai chế tác, từ lựa chọn thật kỹ vật liệu, chọn đoạn giữa của chiếc lốp ô tô để dép không bị cong vênh đến các công đoạn khía rãnh, đục lỗ, vào quai... đều phải sát sao. Sau đó, lại phải qua công đoạn mài giũa cũ đi để làm sao cho ra những sản phẩm giống nguyên mẫu nhất. “10 đôi dép được làm tỉ mẩn từng chi tiết nên khoảng một tháng sau mới được hoàn thiện. Sau đó, tôi đã trân trọng trao lại cho đại diện Bảo tàng Hồ Chí Minh và được đánh giá giống đến 95% so với nguyên mẫu-ông Phạm Quang Xuân nhớ lại-Cách đây hơn một năm, tôi lại được đặt làm thêm 10 đôi dép cao su Bác Hồ nữa cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hai lần được chế tác đôi dép Bác Hồ-đó là niềm vinh dự và tự hào lớn lao đối với cuộc đời làm nghề của tôi!”.

https://sknc.qdnd.vn/nhan-vat/gap-nghe-nhan-che-tac-dep-cao-su-bac-ho-501408

zalo chat 0989.530.530 zalo chat 0989.22.34.22
popup

Số lượng:

Tổng tiền: